Đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm không chỉ tập trung làm outsource

21/05/2021 - Outsourcing

Gia công phần mềm xuất khẩu trong 20 năm qua đã góp phần để thế giới biết đến công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, tạo cơ hội cho doanh nghiệp CNTT trong nước bắt kịp với xu hướng công nghệ tiên tiến.

Tham gia lĩnh vực xuất khẩu phần mềm từ năm 2006, khi khái niệm gia công và xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam còn đang khá mới mẻ, Tinh Vân đã khởi đầu với thị trường Mỹ và sau này là Nhật cùng một số nước khác như Singapore, Đức. Hiện mảng kinh doanh xuất khẩu phần mềm đóng góp khoảng 30% doanh thu của Tinhvan Group và có tỷ trọng lợi nhuận rất cao.

gia công phần mềm
Gia công phần mềm xuất khẩu trong 20 năm qua đã góp phần để thế giới biết đến công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, tạo cơ hội cho doanh nghiệp CNTT trong nước bắt kịp với xu hướng công nghệ tiên tiến.

Thời điểm cách đây hơn 20 năm, vào tháng 1/1999, FPT đã thành lập Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) với nhân sự chỉ 13 người để thực hiện sứ mệnh mở đường cho xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Sau gần 2 thập kỷ vươn ra biển lớn, năm 2018 FPT Software đã cán mốc doanh thu gần 400 triệu USD. Đội ngũ nhân sự FPT Sofware đã lên tới 16.000 người, có mặt tại 16 quốc gia phát triển có trình độ CNTT bậc nhất thế giới và doanh nghiệp phần mềm này hiện là đối tác của nhiều khách hàng thuộc danh sách Fortune 500.

Từ những bước đi đầu tiên đó, đến nay, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, ngành CNTT đang được coi là hạ tầng của hạ tầng, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Trong Báo cáo “Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin” thập niên 2010 – 2020 do VietnamWorks phát hành mới đây cũng cho biết, lấy năm 2010 làm mốc và nhận thấy nhu cầu tuyển dụng của ngành CNTT đã tăng gấp 4 lần sau 1 thập kỷ. Trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có nhu cầu tuyển dụng phổ biến lần lượt là: Phát triển phần mềm; Hỗ trợ kỹ thuật; Quản lý dự án/Sản phẩm; Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và Giao diện (UI); Kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC; Khoa học dữ liệu.

Theo thống kê giai đoạn từ 2010 đến đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT. Khi so sánh nửa đầu thập kỷ và nửa cuối thập kỷ, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tăng trưởng gần gấp đôi.

Trong nhóm ngành này, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là các kỹ sư có chuyên môn Phần mềm, Mobile, Web, ERP (Giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng) đi kèm các kỹ năng lập trình ngôn ngữ phổ biến là JAVA, PHP, .NET luôn chiếm tỷ lệ cao cho thấy xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam trong thập kỷ qua nằm ở dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing), đặc biệt là Web App và Mobile App.

Theo VietnamWorks, trong suốt một thập kỷ qua, nếu xét theo kỹ năng phổ biến, kỹ năng lập trình Web Javascript vẫn thể hiện được khả năng hợp với xu thế phát triển phần mềm tại Việt Nam, nhóm kỹ năng này có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất về nhu cầu tuyển dụng lên đến 63.3% nếu so với năm 2010. Theo sau đó là nhóm kỹ năng lập trình cho iOS tăng trưởng 29.8%; kỹ năng lập trình cho Android tăng đến 26.8%.

Mức lương đăng tuyển trung bình cao nhất có sự thay đổi qua từng năm cho thấy sự thay đổi xu hướng CNTT tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Đáng chú ý, giai đoạn 2011 – 2012, đây là thời kỳ của Phát triển ứng dụng trên điện thoại (Mobile App) nên dẫn đến mức lương trung bình cao nhất thuộc về bộ đôi bổ trợ cho nhau là Kỹ sư lập trình nhúng hệ thống (Embedded Developer) với mức lương 3,750 USD và Kỹ sư phần cứng (Hardware Engineer) có mức lương 3,500 USD.

Giai đoạn năm 2013 – 2014 đánh dấu bước trỗi dậy của thời đại “Tập trung vào dữ liệu” (Data driven) khi các doanh nghiệp đều hướng đến việc tận dụng khai thác các lợi thế của dữ liệu lớn, kéo theo mức lương cao nhất thuộc về hai công việc phục vụ cho Khoa học dữ liệu là Kỹ sư khoa học dữ liệu (Data scientist) với mức lương 3,531 USD, và Kỹ sư lập trình ngôn ngữ Python với mức lương 2,900USD.

Nửa thập kỷ sau vào những năm từ 2015 – 2019, tiếp tục là sự phát triển của Khoa học dữ liệu khi công nghệ này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc mức lương đăng tuyển cho vị trí “Phát triển hệ thống quản trị thông minh cho doanh nghiệp” (Bussiness Intelligence – gọi tắt là BI) với mức lương 1,532 USD vào năm 2015. Các xu hướng Công nghệ cao (high-tech) cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam thời điểm này và cũng thể hiện được thông qua mức lương cao được chi trả cho các vị trí như “Kỹ sư lập trình vạn vật kết nối” (IoT Developer) với mức lương 1,800 USD; Kỹ sư lập trình Trí tuệ nhân tạo với mức lương 1,958 USD; Kỹ sư lập trình công nghệ Chuỗi khối (Blockchain Developer) được đề xuất mức lương 2,033 USD; Kỹ sư lập trình Dữ liệu đám mây (Cloud Developer) với mức lương 2,006 USD, Kỹ sư lập trình thị giác máy tính (Computer vision developer) với mức lương 2,382 USD.

Quản lý dự án/sản phẩm là công việc được trả mức lương cao nhất

Nếu xét theo vai trò công việc, Quản lý dự án/sản phẩm là nhóm được nhà tuyển dụng đề xuất mức lương đăng tuyển cao nhất là 1,775 USD. Tiếp theo là Phát triển phần mềm với mức lương đăng tuyển trung bình là 1,527 USD. Nhóm Khoa học dữ liệu đứng ở vị trí thứ 3 với mức lương là 1,356 USD.

Top 3 các lĩnh vực có mức lương cao nhất lần lượt là: Fintech với mức lương đăng tuyển trung bình là 1,115 USD; Công nghệ cao (IoT; AI; Blockchain,…) có mức lương trung bình là 1,055USD; Thương mại điện tử (E-Commerce) với mức lương là 895USD.
Xuất hiện chênh lệch giữa mức lương thực tế và kỳ vọng ở mọi cấp bậc

Khi so sánh kết quả khảo sát về mức lương mong muốn cho công việc tiếp theo của nhân lực CNTT và mức lương trung bình doanh nghiệp đang đăng tuyển, xuất hiện mức độ chênh lệch trong mức lương thực tế đang được nhận và mức lương mong muốn của ứng viên CNTT.

Theo đó, cấp bậc “Thực tập và Mới vào nghề” kỳ vọng mức lương cao hơn khoảng 200USD so với thực tế. Nhóm “Có kinh nghiệm” đang nhận mức lương thấp hơn so với mong muốn là 300USD. Vị trí “Trưởng nhóm” có mức chênh lệch giữa thực tế và kỳ vọng là 400USD. Mức chênh lệch đối với nhóm “Quản lý” là 600USD và đối với nhóm “Giám đốc” là gần 1,300USD.

Nhìn chung, nhân lực ngành CNTT được doanh nghiệp “chăm sóc khá tốt” khi đáp ứng đầy đủ các phúc lợi quan trọng nhất bao gồm Bảo hiểm theo quy định pháp luật, Nghỉ phép có lương, Khám sức khỏe định kỳ, các loại trợ cấp, Máy tính cá nhân và Du lịch.
Tuy nhiên, ứng viên CNTT chỉ thể hiện mức độ hài lòng tương đối khi được hỏi về “Mức độ hài lòng” đối với chế độ phúc lợi và môi trường. Theo đó, chưa đến 1/2 , chỉ có 40% cho biết họ hài lòng ở các mức độ khác nhau, gần 50% cho rằng họ cảm thấy “Bình thường”, nhóm còn lại là “Không hài lòng” ở mức độ khác nhau.

Bên cạnh các phúc lợi cơ bản nêu trên, nhân lực CNTT cho biết chế độ “Thời gian làm việc linh hoạt” là loại phúc lợi quan trọng nhưng ít được cung cấp.

Vượt qua yếu tố liên quan đến người quản lý trực tiếp (Sếp), đồng nghiệp hay văn hóa công ty, Top 3 các yếu tố khiến nhân lực ngành CNTT quan tâm hàng đầu khi chuyển việc đều liên quan đến các chính sách đãi ngộ tốt hơn. Theo đó, 89% cho biết họ quan tâm đến “Lương cao hơn”, 67% chọn “Khả năng thăng tiến” và 66% chọn “Phúc lợi tốt hơn”. Yếu tố “Sếp và đồng nghiệp” được 56% ứng viên quan tâm và Văn hóa công ty được 53% ứng viên lựa chọn.

Những năm qua, thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới đã có bước tiến đáng kể. Đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm không chỉ tập trung làm outsource.

Tổng Thư ký VINASA Nguyễn Thị Thu Giang đánh giá, gia công xuất khẩu phần mềm và dịch vụ giúp các doanh nghiệp tích lũy tài chính, kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu và năng lực công nghệ cho những giai đoạn phát triển kế tiếp. “Cũng như Trung Quốc hay Ấn Độ, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần có giai đoạn làm gia công cho các đối tác quốc tế, sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm và có đủ năng lực sẽ có thể đầu tư phát triển các sản phẩm, giải pháp của đơn vị mình”, bà Giang chia sẻ.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sau hơn 20 năm phát triển, đã đến lúc phần mềm Việt Nam cần tập trung vào phát triển sản phẩm hoặc làm những công việc mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chủ yếu làm các dự án outsource như giai đoạn trước.

[Nguồn:https://enternews.vn/da-den-luc-doanh-nghiep-phan-mem-khong-chi-tap-trung-lam-outsource-174484.html]

Bài viết liên quan